BÀ RỊA - VŨNG TÀU CÓ TRỮ LƯỢNG DẦU MỎ LỚN NHẤT VIỆT NAM SẼ CÓ 2 SÂN BAY, CẢNG BIỂN QUỐC TẾ VÀ LOẠT CAO TỐC MỚI
Hạ tầng giao thông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tới được quy hoạch có thêm 2 sân bay, hệ thống đường cao tốc, đường sắt, cảng biển hiện đại.
Trong bản quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt có đề cập đến việc tỉnh này sẽ đẩy mạnh quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông kết nối trong tỉnh và liên vùng. Cụ thể:
Đường bộ
Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả.
Phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia: phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56, Quốc lộ 51, Quốc lộ 51C.
Xây dựng các đoạn tuyến quốc lộ tránh các đô thị: tuyến tránh Quốc lộ 51 qua thành phố Bà Rịa, tuyến tránh Quốc lộ 55 qua thị trấn Phước Bửu và thị trấn Đất Đỏ.
Phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh: đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch:
Đối với 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu: đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến của một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để bảo đảm các thông số kỹ thuật, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, bảo đảm phục vụ thuận lợi cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Đối với 10 tuyến đường tỉnh bổ sung mới: điều chỉnh một số đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông thông suốt.
Cảng biển
Phát triển hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô, chức năng cảng đặc biệt, bao gồm các khu bến: Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi.
Cảng cạn
Phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu với các cụm cảng cạn trong hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, gồm: Cụm cảng cạn Mỹ Xuân, Cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa, Cảng cạn Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ III), Cảng cạn Phước Hòa (cảng cạn Cái Mép).
Đường thủy nội địa
Phát triển các tuyến vận tải đường thuỷ nội địa địa phương thuộc khu vực đất liền trên 25 con sông - rạch các cấp từ cấp I đến cấp VI. Hệ thống cảng thủy nội địa 94 cảng, bến thủy nội địa, gồm 50 cảng, bến hiện hữu đang hoạt động và quy hoạch phát triển 44 dự án cảng, bến thủy nội địa và bến chuyên dùng phục vụ du lịch.
Tại huyện Côn Đảo, duy trì 29 bến thủy nội địa đang hoạt động, bổ sung quy hoạch nhóm bến chuyên dùng phục vụ du lịch trên địa bàn huyện tại các khu vực Hòn Bà, Vịnh Đầm Tre, Họng Đầm và Bãi Đất Dốc.
Đường sắt
Xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bổ sung quy hoạch 02 nhánh kết nối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống cảng biển: Nhánh 1: dài 5,3km kết nối vào khu cảng biển Thị Vải; Nhánh 2: dài 9,1km kết nối vào khu cảng biển Cái Mép và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Đường sắt đô thị: sau năm 2030, nghiên cứu đầu tư xây dựng 03 tuyến đường sắt đô thị, gồm:
Tuyến số 1: hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu;
Tuyến số 2: kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu;
Tuyến số 3: kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thành phố Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai).
Cảng hàng không/sân bay
Phát triển cảng hàng không Côn Đảo: quy mô, cấp sân bay, công suất thiết kế, diện tích đất dự kiến thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch 2 sân bay chuyên dùng:
Sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ theo Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu đến năm 2035; là sân bay cấp 3C, diện tích đất dự kiến khoảng 248,5ha.
Sân bay Đất Đỏ là sân bay cấp 4C, diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha.
Công trình hạ tầng giao thông khác
Bến xe: dự kiến đến năm 2030, toàn tỉnh có 20 bến xe, gồm: thành phố Vũng Tàu 02 bến, thành phố Bà Rịa 03 bến, thị xã Phú Mỹ 02 bến, huyện Châu Đức 04 bến, huyện Long Điền và Đất Đỏ 06 bến, huyện Xuyên Mộc 03 bến.
Xây dựng mới các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc và các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh bảo đảm phục vụ thuận lợi cho hoạt động vận tải và nhu cầu của nhân dân.
Nguồn CafeF.